NHẬN DIỆN TÌNH TRẠNG RỐI LOẠN TÂM LÝ
Không dễ để định nghĩa chính xác những yếu tố tạo nên một rối loạn tâm lý, và bản thân khái niệm này cũng có sự thay đổi theo thời gian.
Hiện nay, theo Sổ tay chẩn đoán - thống kê các rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (DSM-5), một rối loạn tâm lý được định nghĩa là: “... Một hội chứng đặc trưng bởi các rối nhiễu lâm sàng đáng kể về mặt nhận thức, cân bằng cảm xúc, hoặc hành vi của một cá nhân, trong đó phản ánh sự rối loạn trong vận hành chức năng tinh thần về mặt tâm - sinh lý hoặc quá trình phát triển. Rối loạn tâm lý thường có liên quan đến những khó khăn đáng kể về mặt xã hội, nghề nghiệp và các hoạt động quan trọng khác của người đó.”
Để xác định ranh giới giữa một hành vi bình thường và “bệnh lý”, có thể xem xét các rối loạn tâm lý dựa trên những vấn đề thuộc 4 lĩnh vực sau:
1. SỰ LỆCH CHUẨN: Bao gồm những suy nghĩ, hành vi, cảm xúc lệch lạc so với những điều thông thường - hoặc hiếm khi được xã hội chấp nhận. Ví dụ, khi nói đến trầm cảm, người trầm cảm có thể có những suy nghĩ tội lỗi, vô dụng mà không thường thấy những người khác.
Tuy nhiên, nếu chỉ xác định các rối loạn bằng cách so nó với những gì nằm ngoài chuẩn mực thông thường về mặt thống kê, chúng ta vẫn khó có thể làm rõ cái gì là bất thường (ví dụ như những người tài giỏi xuất chúng so với mặt bằng chung thì cũng là bất thường?). Vì vậy, các Tâm lý gia thường tập trung vào hệ quả của những hành vi bất thường, hơn là những lệch lạc về mặt thống kê:
2. PHIỀN MUỘN: Triệu chứng này bao gồm những cảm xúc tiêu cực mà một người tự cảm thấy, và/hoặc gây ra sự không thoải mái cho những người xung quanh. Cụ thể, người trầm cảm có thể cảm thấy phiền muộn một cách tột độ do nỗi buồn khổ, tội lỗi, bực bội và giận dữ quá độ mang lại.
3. LOẠN CHỨC NĂNG: Với triệu chứng này, các nhà chuyên môn sẽ xác định trong vận hành chức năng mỗi ngày có những gì mà cá nhân không thể làm được. Ví dụ, người trầm cảm có thể không thể rời giường vào mỗi sáng, hoặc những công việc thường ngày trở nên mất thời gian hơn.
Vì vậy, những hành vi được xem là kém thích nghi và gây ra những đau khổ đáng kể, ảnh hưởng đến các vận hành chức năng trong cuộc sống hàng ngày thì thường được đánh giá là rối loạn.
4. NGUY HIỂM: thực hiện những hành vi có nguy cơ gây hại đến chính mình hoặc người khác. Ví dụ, người trầm cảm có thể có những suy nghĩ tự sát, tự hại.
Qua đó, ta có thể phân biệt được thế nào là bình thường, và đâu là những hành vi bệnh lý, cũng như đánh giá được các vấn đề hiện tại ảnh hưởng đến mình và những người xung quanh ở mức độ nào.
Nhìn chung, biết được những dấu hiệu trên sẽ giúp chúng ta xác định được các vấn đề tinh thần và tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn sớm nhất có thể. Lưu ý rằng, chúng ta không nên tự chẩn đoán, mà chỉ có nhà chuyên môn (bác sĩ tâm thần, tâm lý gia lâm sàng) mới có thể đưa ra chẩn đoán và hỗ trợ hiệu quả cho các rối loạn tinh thần kể trên.
---
Nguồn tham khảo:
American Psychiatric Association. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (DSM–5).
Davis TO. Conceptualizing psychiatric disorders using "Four D's" of diagnoses. The Internet Journal of Psychiatry. 2009;1(1):1-5.
https://www.verywellmind.com/what-is-a-psychological-disorder-2795767
https://www.verywellmind.com/an-overview-of-psychopathology-4178942
Nguồn ảnh:
https://www.pexels.com/photo/grayscale-photography-of-woman-touching-her-eyes-1161268/